“Chúng mình đang làm việc cùng những người có thể hoàn toàn tin tưởng, không cần lo lắng gì”
Trang web đầu tiên mà những người mới sử dụng Toss tiếp xúc đầu tiên là? Chính là trang Homepage của Toss. Đây là nơi bạn có thể tìm thấy thông tin tổng quan về dịch vụ và Team, cũng như các liên kết để tải xuống ứng dụng. Ngoài ra, mặc dù Toss là một dịch vụ dựa trên thiết bị di động, trong ứng dụng cũng vẫn đang triển khai các dịch vụ web khác nhau.
Thông qua bài này, mình muốn giới thiệu với các bạn những người quản lý trang web chính thức - có thể coi là 'bộ mặt' của Toss, đồng thời tạo ra các trang web bán đa dạng các sản phẩm tài chính từ các đối tác khác nhau như tiền gửi, tiết kiệm, bảo hiểm và thẻ. Chúng mình đã gặp gỡ Seo Jin và Hyeonsu, những người chịu trách nhiệm về ấn tượng đầu tiên của dịch vụ Toss, những nhà phát triển frontend và cùng chia sẻ về cách hoạt động của nhóm frontend cũng như văn hóa của Toss.
Các bạn giới thiệu bản thân nhé.
△ Frontend Developer, Sojin Park
Park Seo Jin: Mình là trưởng nhóm Front-end Park Seo Jin. Mình đang đảm nhiệm công việc quản lý hạ tầng front-end trong team client, cũng như làm hệ thống giám sát tình trạng lỗi. Đồng thời mình cũng đang làm công việc giúp người dùng đăng ký tài khoản hay thẻ để sử dụng Toss một cách thuận tiện và hiệu quả hơn.
Lee Hyeonsu: Mình là front-end developer Lee Hyeonsu, hiện đang làm việc ở Insurance silo. Mình đang phụ trách những dịch vụ bảo hiểm đa dạng như ‘mini insurance’, ‘yêu cầu thanh toán bảo hiểm nhanh’.
Nhờ các bạn giải thích rõ hơn chút về những công việc của một front-end developer ở Toss team được không?
△ Frontend Developer, Hyeonsu Lee
Lee Hyeonsu: Vì Toss Team là một tổ chức hoạt động rất nhanh và theo mô hình agile, chúng mình đang làm việc theo hướng sản xuất, phân phối và cải tiến sản phẩm một cách nhanh chóng. Trong môi trường này, cập nhật nhanh chính là điểm then chốt. Vì có chu kỳ cập nhật khi triển khai ứng dụng, nên đôi khi đối ứng nhanh chóng khi cần sửa đổi là không hề dễ dàng.
Để chuẩn bị cho những lúc như thế, các nhà phát triển front-end cấu hình dịch vụ Toss bằng cách làm cho trang web giống như một ứng dụng gốc. Nhờ vậy, chúng mình có thể thường xuyên cập nhật trang web được tạo cùng với các bên đối tác, cũng như có thể đối ứng một cách nhanh chóng. Đó là lý do Toss là một dịch vụ ứng dụng, không phải là một dịch vụ web, nhưng lại cần đến các front-end developer.
Park Seo Jin: Đặc biệt, nhiệm vụ cốt lõi là hỗ trợ cơ cấu hợp tác với nhiều đối tác có liên kết với Toss. Toss là một dịch vụ tài chính, vì thế cần phải được xử lý cẩn thận và tuân thủ một số hướng dẫn pháp lý. Các trang web liên kết cũng phải tuân theo các nguyên tắc pháp lý như vậy.
Lúc này, cần cung cấp hướng dẫn để đơn vị liên kết có thể tham khảo để phát triển trang, kiểm tra trước và sau khi triển khai, đồng thời hợp tác chặt chẽ với đối tác, ví dụ như phản hồi và giải quyết mọi vấn đề ngay lập tức trong quá trình làm việc.
Hãy giới thiệu tới mọi người điều mà bạn nhớ nhất trong những dự án từng thực hiện nhé.
Park Seo Jin: Mình nhớ nhất dịch vụ 'Tìm hiểu giá bất động sản của tôi' mà mình đã thực hiện ngay sau khi tham gia Toss team. Ngay sau khi hoàn thành việc lập kế hoạch, thiết kế đã hoàn thành trong hai ngày, quá trình phát triển đã hoàn thành sau hai đến ba ngày và trong vòng một tuần, một MVP chạy thật (Minimum Viable Product - Sản phẩm khả thi tối thiểu: phiên bản sản phẩm được thực hiện với nỗ lực và thời gian phát triển tối thiểu để kiểm chứng các giả thuyết kinh doanh) đã được ra mắt.
Một phần là do văn hóa nhanh chóng của Toss team, và mình nghĩ cũng là vì có rất nhiều người giỏi nên mới có thể làm được như vậy. Tốc độ phát triển nhanh đôi khi cũng khó, nhưng mình đã cảm thấy rất vui khi được thấy ngay các chỉ số dịch vụ do mình tạo ra trên Grafana (một nền tảng dữ liệu nơi bạn có thể xem tất cả dữ liệu của Toss).
Một yếu tố khác là môi trường cơ sở hạ tầng đã phát triển đáng kể trong năm qua. Trước đây, có nhiều vấn đề khó khăn hoặc mất nhiều thời gian trong quá trình triển khai ứng dụng.
Nhóm platform chúng mìnn đã đưa ra đề xuất trước để giải quyết những vấn đề này. “Chúng mình sẽ giải quyết vấn đề năng suất thấp hiện nay”. Mình đã thuyết phục các bạn developer khác thông qua các cuộc thảo luận và tất cả đều đồng ý. Chúng mình đã làm việc chăm chỉ để cải thiện môi trường cơ sở hạ tầng và bây giờ nó đã được cải thiện một cách hiệu quả.
Đó là dự án giúp mình cảm nhận được nhận rằng ở Toss team, developer không phải chỉ có thể phát triển một cách thụ động theo công việc được giao, mà có thể đưa ra hướng cải tiến với lý do hợp lý khi nhóm phát triển nghĩ rằng điều đó là cần thiết cho team.
Là một nhà phát triển,
Không chỉ tiến hành một cách thụ động
Những công việc được giao
Khi chúng ta nghĩ rằng đó là điều cần thiết cho team
Hãy đề xuất và thực hiện
Ở Toss Team, điều đó hoàn toàn có thể.
Lee Hyeonsu: Mình đã gia nhập Toss team vào nửa đầu năm ngoái, hồi đó phần lớn thành viên trong silo của mình đều là những người mới gia nhập Toss chưa lâu. Đó là tình huống chúng mình đều lần đầu tiên làm việc với nhau. Để có thể hợp tác làm việc hiệu quả, silo chúng mình đã không ngừng trao đổi và hoàn thiện về phương pháp làm việc sao cho hiệu quả.
Chúng mình đã thử nâng cao hiệu suất của quy trình report bug bằng cách chuyển từ communication tool nội bộ cũ - Slack sang một công cụ mới là Notion, cũng đã cập nhật lên Notion nội dung về ‘phương pháp làm việc của silo’ để giúp những thành viên mới đến có thể thích ứng nhanh chóng với nhóm. Vì có cảm giác như đã thực sự tìm ra được phương pháp làm việc hiệu quả nên cả quá trình đó mình đều ghi nhớ rất rõ.
Điểm hấp dẫn nhất khi làm một front-end developer là gì vậy? Không biết có điểm gì khó khăn không nhỉ?
Park Seo Jin: Điểm tốt nhất là lĩnh vực này phát triển rất nhanh chóng. Lĩnh vực front-end 5 năm trước khác với 10 năm trước, và cũng rất khác so với bây giờ. Các phương pháp phát triển phức tạp trở nên đơn giản hơn, ngôn ngữ phát triển và công nghệ sử dụng cũng đang được cải tiến rất nhanh chóng. Mình nghĩ điểm hấp dẫn là chúng mình có thể thu thập được nhiều kiến thức và phát triển bản thân trong một môi trường như vậy.
Điểm khó khăn là bạn phải xem xét các môi trường thiết bị khác nhau. Toss phải đáp ứng với cả điện thoại thông minh iOS và Android, đồng thời các trang web cũng phải xem xét các trình duyệt khác nhau như Internet Explorer và Chrome. Để hoạt động mà không có lỗi trong từng môi trường thiết bị khác nhau, cần phải cẩn thận kiểm tra từng cái một, điều này cũng không dễ dàng.
Lee Hyeonsu: Điểm thu hút nhất mình được chăm chút màn hình mà người dùng nhìn thấy đầu tiên. Vì cần phải hiểu chặt chẽ phản ứng của người dùng và đối ứng nhanh chóng, mình nghĩ rằng điều quan trọng không chỉ là viết code tốt mà còn phải có trực giác tốt nữa.
Và như Jin Seo đã nói, lĩnh vực front-end đang phát triển rất nhanh chóng. Chúng mình cần liên tục học tập để chuẩn bị cho những ngôn ngữ phát triển mới xuất hiện, điểm này quả thực không dễ dàng. Cho dù trước kia các bạn có giỏi đến đâu thì cũng có lúc khó khăn khi làm cùng với một người chỉ có thể làm việc với ngôn ngữ khác xa với nền tảng công nghệ cần thiết của thị trường hiện tại.
Đôi khi mình cũng cảm thấy khó khăn với việc ‘học không ngừng nghỉ’, nhưng mình cảm thấy sức hấp dẫn của việc xử lý được nhiều ngôn ngữ khác nhau còn lớn hơn rất nhiều.
Về phương thức làm việc ở Toss team, bạn cảm thấy khác biệt lớn nhất so với những tổ chức bạn từng làm là gì?
Park Seo Jin: Là điểm không có các cấp bậc như Staff, Assistant Manager, Manager… Ở những nơi theo thể chế cấp bậc thì khó có thể làm trái lời những người có cấp bậc cao, và dĩ nhiên sẽ trở thành con người làm việc thụ động, chỉ làm theo những gì được giao.
Còn Toss team thì nhờ có chế độ DRI (Viết tắt của Directly Responsible Individual, nghĩa là một người nắm quyền quyết định cuối cùng đối với công việc mà mình đảm nhiệm) mà mỗi người đều nhận được hoàn toàn quyền hạn và trách nhiệm về công việc. Mình rất thích điểm có thể làm việc như ‘chủ nhân’ thực sự của công việc.
Và, quyền hạn và trách nhiệm đối với công việc không phải do cấp trên quyết định mà có được tùy thuộc vào mức độ hoàn thành công việc của mình và sự tín nhiệm của đồng nghiệp. Càng nhận được nhiều sự tin tưởng từ đồng nghiệp, bạn càng làm được nhiều việc hơn và nhận được nhiều sự tôn trọng hơn. Ngược lại, nếu bạn đánh mất lòng tin của đồng nghiệp, thì đây là tập thể có văn hóa có thể giảm phạm vi quyền hạn và trách nhiệm, cho dù bạn bao nhiêu tuổi và có bao nhiêu năm kinh nghiệm đi chăng nữa. Mình nghĩ đó là sự khác biệt lớn nhất.
Mình cũng muốn đề cập đến yếu tố tất cả các thành viên trong nhóm đều thảo luận và đưa ra quyết định dựa trên những cơ sở và số liệu hợp lý. Thông thường, người ra quyết định cấp cao nhất sẽ đưa ra chỉ thị kiểu 'Hãy tiếp tục dự án theo cách này', nhưng ở Toss team, bạn phải giải thích chi tiết cho các thành viên trong nhóm có liên quan về việc 'Tại sao chúng ta phải làm như thế này?' để giúp mọi người hiểu và thuyết phục họ. Dù có là leader Seung-geon của Toss đi chăng nữa cũng không thể bỏ qua quá trình này.
Lee Hyeonsu: Mình cũng tương tự, đối với mình là điểm ở Toss team không bao giờ có chuyện ai đó nói ‘lập trình viên thì khỏi cần theo dõi chỉ số làm gì’.
Nghĩ lại ngày trước mình làm việc, dù là dịch vụ do mình làm ra thật đấy, nhưng mình không hề được biết các số liệu như số người đăng ký, hay số người dùng… Còn ở Toss thì lúc nào cũng có thể tiếp cận được với những thông tin cần thiết cho việc đưa ra quyết định.
Thành quả của mình không cần phải nghe từ người khác mà có thể trực tiếp xác nhận, điều này vừa tạo thêm động lực, vừa tạo cơ hội để mình có thể trực tiếp suy nghĩ và thực hiện những ý tưởng cải tiến, mình nghĩ đây là điểm thực sự đặc biệt. Đối với một nhà phát triển mà nói, không có một phạm vi công việc ràng buộc nào cả, quả thực là điều hấp dẫn.
Mình khá tò mò không biết điều gì đã khiến các bạn muốn gia nhập Toss team vậy.
Lee Hyeonsu: Về cơ bản thì mình đã cực kỳ thích các dịch vụ của Toss. Cả văn hóa của Toss team nữa. Đặc biệt là mình rất ưng nội dung ‘làm việc như một sport team’ trong số nội dung được viết trên trang tuyển dụng của Toss.
Mình đã nghĩ rằng làm việc ở một công ty như thế này chắc sẽ không xảy ra tình huống mệt mỏi vì đồng nghiệp hay không làm nổi việc. Yếu tố ‘văn hóa team được tạo nên bởi toàn dân chuyên nghiệp’ nghe rất hấp dẫn, và mình cũng kì vọng nếu vào team này thì bản thân cũng có thể làm việc một cách chuyên nghiệp.
Park Seo Jin: Quả đúng như vậy. Làm việc chuyên nghiệp là khái niệm có thể có nhiều định nghĩa. Theo mình nghĩ thì thực sự 'chuyên nghiệp' nghĩa là dù có nhận được feedback hay thử thách từ đồng nghiệp thì cũng không nhụt chí mà nhanh chóng sửa đổi, trưởng thành và không lặp lại lỗi lầm đó nữa. Ở Toss team thật sự có rất nhiều người như vậy.
Ở Front-end chapter của các bạn có văn hóa phát triển nào đặc biệt không nhỉ? Chia sẻ với chúng mình nha.
Lee Hyeonsu: Thay vì chỉ giới hạn trong văn hóa phát triển, mình nghĩ có thể gọi đây ‘văn hóa làm việc’ của các maker nói chung. Tại Toss Team, lập trình cũng là công việc lấy dữ liệu làm trung tâm.
Để phát triển một trang sản phẩm bảo hiểm, chúng mình tạo ra bốn màn hình khác nhau và thực hiện thử nghiệm xem màn hình nào mà có tỉ lệ chuyển đổi cao nhất (được nhiều người tiếp cận nhất). Thậm chí chúng mình còn thử thay đổi câu từ ở menu đầu trang theo nhiều cách nhau.
Lúc đầu, chúng mình chỉ phát triển sản phẩm ở mức đủ để kiểm chứng một số chỉ số nhất định và khi quá trình kiểm chứng kết thúc, chúng mình sẽ xem xét dữ liệu và suy nghĩ xem nên tái cấu trúc như thế nào, hay có nên module hóa ở mức độ cao hay không. Mình chưa bao giờ thực hiện phát triển tập trung vào dữ liệu trước đây, nên cũng cảm thấy hơi lạ lẫm. Thật sự mình đã và đang học hỏi được rất nhiều.
Park Seo Jin: Front-end chapter có một văn hóa được gọi là Tech Talk. Đây là nơi mọi người có thể thoải mái chia sẻ về những lĩnh vực mình quan tâm. Có nhiều người tham gia, mỗi người lại quan tâm đến các lĩnh vực khác nhau, vì vậy mình được tiếp cận với phạm vi kiến thức rộng vượt ngoài mong đợi.
Khi chúng mình thực hiện review code, chúng mình học hỏi lẫn nhau rất nhiều. Có những lúc mình đã phải cảm thán 'Ồ hóa ra có thể viết code như thế này', cũng có những lúc chúng mình cùng trao đổi, đưa ra feedback để giúp ích cho việc viết code tốt hơn. Khi đưa ra phản hồi, chúng mình luôn hướng đến nêu ý kiến dựa trên những căn cứ hợp lý. Chúng mình tác động tích cực đến nhau, và mình nghĩ nhờ thế mà chúng mình đang phát triển rất nhiều.
Làm việc ở Toss, khoảnh khắc bạn cảm thấy thành tựu nhất, và khi bạn cảm thấy mệt mỏi nhất là lúc nào vậy?
Park Seo Jin: Có một tính năng sự kiện mới ra mắt gần đây, và mặc dù nó được mở cho một số lượng rất nhỏ người dùng, nhưng lượng truy cập đã tăng đột biến trong vòng 3 đến 4 ngày sau khi mở, và thậm chí đã xuất hiện trên báo.
Đó là một trải nghiệm kỳ lạ bởi dịch vụ được mở một cách lặng lẽ nhưng lại trở thành chủ đề nóng. Một vài người quen không biết đó là dịch vụ mình làm nên đã gửi lời mời cho mình, giây phút mình bảo với họ "Đây là dịch vụ do mình phát triển đó!", mình cảm thấy thực sự tự hào.
Khoảnh khắc khó khăn nhất là khi thể lực giảm sút. May mắn thay, trong các silo và các chapter mọi người luôn quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Đây là một team mà khi cần chạy thì dốc toàn lực chạy nước rút và lúc cần nghỉ ngơi thì vẫn có thể nghỉ để nạp năng lượng, mình rất thích điều này.
Khi cần chạy nước rút, dốc toàn lực chạy
Lúc cần nghỉ ngơi, có thể thả lỏng
Và bổ sung năng lượng
Đây là team như vậy, thực sự rất tuyệt.
Lee Hyeonsu: Vì mình phụ trách mảng bảo hiểm mini nên chu kỳ ra mắt rất nhanh. Bình thường sẽ mất khoảng nửa năm để tung ra một sản phẩm bảo hiểm, nhưng chúng mình thì cứ hai đến ba tuần là lại ra mắt một sản phẩm. Cảm giác thành tựu đến khá là thường xuyên.
Gần đây, khi tên của các sản phẩm bảo hiểm mini như bảo hiểm bụi mịn và bảo hiểm du lịch nước ngoài leo lên top từ khóa tìm kiếm real time, mình cảm thấy thật kỳ diệu, quả thực rất tự hào.
Về khoảnh khắc cảm thấy khó khăn thì mình cũng giống Seo Jin. Văn hóa team cho phép làm việc linh hoạt, vì vậy mình đang tận dụng điều đó một cách hiệu quả. Chỉ cần báo trước, mọi người có thể thoải mái nghỉ phép hay làm việc từ xa mà không cần thông qua quá trình phê duyệt.
Bạn thích nhất giá trị cốt lõi nào của Toss? Và cho mình biết lý do nữa nhé.
Hyeonsu Lee : Mình thích nhất là “Never feel that’s not my job”. Seo Jin đã thể hiện rất tốt giá trị cốt lõi này. Mình thực sự cảm động trước cách anh ấy luôn chủ động giúp đỡ mỗi khi mình gặp khó khăn khi mới vào công ty.
Trên thực tế, không chỉ Seo Jin mà tất cả các thành viên của Toss team nói chung đều luôn thực hiện giá trị cốt lõi này, vì vậy mình luôn cảm thấy biết ơn khi làm việc. Mình cũng cố gắng trở thành người như thế.
Sojin Park: Mình thì thích nhất là “Earn Trust”. Ở Toss team, thành viên không bị đánh giá dựa trên học vấn hay tuổi tác. Mọi người nhìn vào thành quả đạt được, từ đó thấy được mức độ tin tưởng dành cho đồng đội. Quyền hạn và trách nhiệm cũng được trao căn cứ theo đó, mình thấy văn hóa này rất hợp lý.
Vì vậy, ở đây có rất nhiều người mình tôn trọng. Được làm việc với những người như vậy cũng là lý do mình đồng hành cùng Toss team.
Ở Toss team
Bạn sẽ không bị đánh giá về học vấn hay tuổi tác
Mọi người nhìn vào thành quả đạt được,
Từ đó thấy được mức độ tin tưởng bạn dành cho đồng đội.
Có điều gì bạn muốn nhắn gửi đến những bạn đang muốn ứng tuyển vào Toss không?
Sojin Park: Mình nghĩ đây là môi trường tốt nhất cho những người thích làm việc và muốn làm tốt, và những người khát khao phát triển. Xung quanh có rất nhiều đồng nghiệp có thể tôn trọng và học hỏi, điều này mình có nói bao nhiêu cũng không đủ.
Mình cũng muốn giới thiệu với bạn rằng chúng mình đã tạo ra một môi trường để thành viên có thể tập trung vào duy nhất công việc của mình. Có chế độ vay 100 triệu won không lãi suất giúp bạn giảm thiểu gánh nặng về nơi ở, có thẻ công ty cho cá nhân sử dụng trong mức chi phí hợp lý để giảm bớt nỗi lo về ăn uống, khi khát nước có thể thoải mái sử dụng miễn phí coffee silo (quán cafe trong công ty) hay cửa hàng tiện lợi.
Hyeonsu Lee: Các công ty IT thường hỏi rất nhiều câu liên quan đến thuật toán trong các cuộc phỏng vấn kỹ thuật, tất nhiên khi phỏng vấn vào Toss bạn cũng sẽ nhận được các câu hỏi về thuật toán.
Hồi mình chuẩn bị phỏng vấn, mình đã rất lo lắng vì không biết các thuật toán phức tạp. Tuy nhiên, mình đã nhận được một câu hỏi về thuật toán cực kì hợp lý. Chủ yếu chỉ có các câu hỏi và vấn đề cho phép nói chuyện chuyên sâu về những điều cơ bản và chuẩn mực về lập trình front-end. Mình muốn nói rằng nếu bạn thực sự thích phát triển giao diện người dùng và cũng hứng thú với phát triển ứng dụng, bạn hoàn toàn nên thử sức.
Khi phỏng vấn, khi hỏi tiêu chuẩn nhân tài của Team là như thế nào, mình đã nhận được câu trả lời là 'Một người có thể hoàn toàn tin tưởng mà không cần lo lắng gì'. Sau khi vào team, mình đã nhận ra và cảm nhận được ý nghĩa của điều đó mỗi ngày. Đừng nên bỏ lỡ cơ hội làm việc cùng với những thành viên tuyệt vời như vậy.
Khi hỏi về tiêu chuẩn nhân tài khi phỏng vấn
Mình đã nhận được câu trả lời thế này.
"Là một người có thể hoàn toàn tin tưởng mà không cần lo lắng gì"
Sau khi gia nhập team,
Mình nhận ra và cảm nhận được điều đó mỗi ngày.
Một câu hỏi cuối cùng nữa thôi. Bạn có điều gì nhất định muốn đạt được ở Toss team không?
Sojin Park: Các nhà phát triển front-end của Toss team cũng có thể được ví như những người xử lý "bộ mặt" của Toss. Trang web chính thức của Toss, trang tuyển dụng và trang web trong app Toss đều là những thứ đầu tiên người dùng nhìn thấy.
Cũng như tầm quan trọng của ấn tượng đầu tiên khi gặp một người, mình nghĩ ấn tượng đầu tiên về dịch vụ cũng rất quan trọng. Chúng mình muốn đảm bảo rằng người dùng không gặp phải tình huống bất tiện nào khi lần đầu tiên sử dụng Toss. Chúng mình đang cố gắng tạo ra và duy trì một môi trường dịch vụ hoàn toàn không có những yếu tố gây khó chịu cho người dùng như mất nhiều thời gian tải, hay phải bực bội vì phát sinh những lỗi không rõ nguyên nhân.
Hyeonsu Lee: Mục tiêu của mình là có thể làm việc đầy hứng khởi như tại silo bảo hiểm. Chúng mình muốn “đổi mới thị trường bảo hiểm”. Chúng mình đã suy nghĩ rất nhiều về việc làm thế nào để người dùng có thể dễ dàng truy cập thông tin họ cần, cũng như không gặp khó khăn gì trong quá trình đăng ký. Cùng với Toss team, mình mong có thể biến những điều đó thành hiện thực.
Bạn muốn đồng hành cùng Toss Team Frontend Chapter chứ?