“Team cực kỳ phù hợp với những người cảm thấy phát điên với việc không biết bản thân đang làm việc vì cái gì. Ở Toss bạn hoàn toàn không phải cảm thấy bức bối vì điều đó”
Có bao nhiêu dịch vụ tài chính bạn có thể sử dụng ở Toss? Chuyển tiền, tra cứu tài sản, timeline quản lý lịch sử tiêu dùng, tới giới thiệu đa dạng sản phẩm tài chính như Toss card, vay, bảo hiểm, tiền gửi/tiết kiệm, thẻ… với nhiều ưu đãi thiết thực, tổng hợp lại cũng đã trên 40 dịch vụ.
Toss chính là đang ‘chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối cho cuộc sống tài chính’ của người dùng. Để có thể dung hòa nhiều dịch vụ đa dạng như vậy trong 1 ứng dụng duy nhất, có những con người đang ngày đêm đơn thương độc mã chiến đấu, khi thì là người liên kế hoạch, lúc nhận vai trò phụ trách kinh doanh, lắm khi lại đóng vai người vận hành dịch vụ. Ở Toss team, những thành viên này được gọi là PO (Product Owner - người ‘sở hữu’ sản phẩm, người chịu trách nhiệm sản phẩm)
Trò chuyện với các PO, những người luôn dồn hết tâm sức lo nghĩ làm sao để tạo ra dịch vụ tuyệt vời nhất cũng như vận hành tổ chức trôi chảy nhất, chúng mình đã nhận được chia sẻ như thế này. “Ở Toss chúng mình có thể thực sự làm việc và sống, khác hẳn với trước kia.” Cùng mình tìm hiểu xem tại sao các bạn ấy lại nói như vậy nhé?
Q. Chào các bạn, nhờ các bạn giới thiệu bản thân cũng như dịch vụ của Toss mà các bạn đang phụ trách nhé.
△ Product Owner Choi Sung-hee
Choi Sung-hee: Mình là Choi Sung-hee, đang làm Product Owner (sau đây viết tắt là PO) tại Bank Service silo (Silo: đơn vị tổ chức của Toss team, bao gồm khoảng 8-9 maker với các vị trí như Product Owner, Designer, Developer…)
Mình đang giúp đỡ để khách hàng của Toss có thể dễ dàng đăng ký sản phẩm và mở tài khoản tại các ngân hàng. Chúng mình hiện đang đưa ra nhiều sản phẩm như tiền gửi, tiết kiệm, vay vốn...
Gần đây việc chúng mình dành nhiều tâm sức nhất là dịch vụ ‘tìm khoản vay phù hợp’. Chúng mình cung cấp dịch vụ đầu tiên trong nước có thể tiến hành so sánh các sản phẩm vay theo từng ngân hàng, từ đó tiến thêm một bước là duyệt - so sánh lãi suất vay.
Có thể coi đây là dịch vụ mở rộng của dịch vụ quản lý tín dụng, đề xuất gói vay mà mình từng phụ trách ở nửa đầu năm. Dựa trên kinh nghiệm xây dựng và vận hành platform cho dịch vụ cung cấp lịch sử thanh toán để nâng cao cũng như quản lý điểm tín dụng, từ đó mang lại giá trị cao hơn mức tra cứu cho người dùng, cũng như giới thiệu sản phẩm vay phù hợp với mức tín dụng của mỗi cá nhân, chúng mình đã có thể ra mắt dịch vụ mới.
△ Product Owner Hong Min Taek
Hong Min Taek: Mình là PO của dịch vụ chuyển tiền và thanh toán. Ở nửa đầu năm rồi mình đã phụ trách sản phẩm Toss card.
Dịch vụ thanh toán cần đặc biệt để tâm đến quan hệ với các điểm thanh toán. Chúng mình cần thuyết phục đối tác để có thể thêm ‘Toss payment’ vào danh sách phương thức thanh toán ở các điểm thanh toán mà. Có thể coi đây là silo chuyên biệt cho mảng tiếp thị bán hàng. Chúng mình đang dành thời gian và đổ sức lực vào việc xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả nhất.
Kể từ khi vào Toss 2 năm trước cho đến nửa đầu năm nay, mình chủ yếu đảm nhiệm công việc liên quan đến chuyển tiền. Cũng có những lúc mình hơi cảm thấy lĩnh vực cần tập trung trong công việc mình đảm nhiệm có hơi khác, nhưng có lẽ cũng không khác nhiều so với trước kia. Chuyển tiền là dịch vụ cần hợp tác với nhiều bên, nên tiếp thị là hết sức cần thiết. Mình cũng từng có kinh nghiệm trong việc tiếp cận trực tiếp với khách hàng, do đó mình hiện đang vận dụng những kinh nghiệm đã tích lũy được từ trước đến nay để tiến hành công việc.
Q. Mình nghe đồn là nhiều người hơi bị tò mò PO ở Toss thì làm những công việc gì. Mọi người cũng thắc mắc không biết giữa lên kế hoạch kinh doanh và lên kế hoạch phát triển dịch vụ thì đâu mới là vai trò trung tâm của một PO. Vậy thì vai trò của PO ở Toss là như thế nào vậy?
Hong Min Taek: PO của Toss có cảm giác giống như một ‘giám đốc công ty khởi nghiệp nhỏ’ vậy. Từ xây dựng mục tiêu của Toss service mình phụ trách cũng như tầm nhìn của silo, rồi quyết định sẽ tạo ra dịch vụ như thế nào sau khi cân nhắc kỹ mong muốn của người dùng mà mục tiêu của dự án, cũng như tìm ra tất cả các action item để đạt được điều này, rồi thì đặt thứ tự ưu tiên và thực hiện dần từng cái một, cuối cùng là làm đến cả thiết lập dự toán cho đến khi được giải ngân, có thể nói là chịu trách nhiệm tất tần tật một chu kỳ của việc tạo ra sản phẩm. Trong quá trình này, hỗ trợ để tất cả team member đều cùng tập trung vào một mục tiêu cũng có thể coi là vai trò của PO.
Cũng có thể nói PO chính là người nắm quyền quyết định về cả phương hướng, doanh số và lợi nhuận. Thỉnh thoảng cũng có người hỏi mình về điểm khác nhau giữa PO và PM (project manager). PM là người mà sau khi phương hướng cũng như mục tiêu doanh thu, lợi nhuận kể trên đã được đưa ra thì sẽ giữ vai trò đưa sản phẩm ra thị trường để đạt được những mục tiêu trên. Tuy nhiên ở Toss thì PO cũng phải có thể tự mình thiết lập phương hướng và mục tiêu.
Vì những điểm này mà PO không những cần có tư duy chiến lược mà còn cần có tư duy phân tích tốt. Bắt đầu từ việc trong tháng này có bao nhiêu người đã sử dụng dịch vụ, PO luôn phải nắm rõ được tất cả những chỉ số như tỉ lệ lợi nhuận, doanh thu, MAU (Monthly Active Users: số người dùng thường xuyên hàng tháng), AMPU(Average Margin Per User: lợi nhuận thu được/1 user)..., cũng như cần phải quyết định xem cần đi theo hướng nào để xoay chuyển những chỉ số kể trên.
Tuy nhiên PO tuyệt đối không phải là người đưa ra mọi quyết định trong silo. Bởi vì để đạt được mục tiêu thì chúng ta bắt buộc phải cân nhắc đến trải nghiệm người dùng. Trải qua quá trình thảo luận đủ kỹ càng với các thành viên trong team thì tự nhiên ‘phương hướng tốt nhất’ theo suy nghĩ của cả team cũng tự nhiên sáng tỏ.
Mọi người có thể coi vai trò của mình là định nghĩa những vấn đề mà silo của mình cần phải giải quyết, cũng như tạo ra môi trường thảo luận để từng thành viên có thể đưa ra quyết định cao nhất trong lĩnh vực của họ.
Q. Mình thật sự đồng cảm với câu bạn bảo là làm PO giống như làm giám đốc công ty startup cỡ nhỏ. So với môi trường làm việc trước đây thì bạn thấy làm PO ở Toss có điểm gì khác biệt nhất vậy?
Hong Min Taek: Bình thường mọi người hay tò mò là trong quá trình làm ra sản phẩm, hay vận hành team thì tại sao lại cần làm việc, phải làm việc theo phương hướng như thế nào. Trước kia thì khi đưa ra những câu hỏi này, nhiều lúc mình đã cảm thấy rất khó nhận được câu trả lời.
Tuy nhiên ở Toss team thì có thể hiểu được chi tiết quá trình thực hiện dự án từ đầu đến cuối, do đó sự thấu hiểu về lý do mình làm công việc này, công việc này mang ý nghĩa gì được nhiên được gia tăng rất nhiều. Vì đây là môi trường mọi người có thể tiếp cận với mọi thông tin cần thiết, nên mỗi khi có gì thắc mắc thì đều có thể trực tiếp tìm kiếm hoặc hỏi về nó. Mình nghĩ đây chính là điểm khác biệt lớn nhất. Nhờ đó mà chúng mình có thể làm việc một cách rất thú vị.
Choi Sung-hee: Trước kia mình từng làm khá lâu ở vị trí ‘người lập kế hoạch’. So sánh hồi đó với bây giờ thì điểm khác biệt nhất chính là ‘phương thức đưa ra quyết định’.
Cụ thể hơn là khi tiến hành dự án thì chúng mình không làm theo phương thức có một ai đó chức cấp cao bảo rằng “Cứ làm theo như vậy là được”, rồi chúng mình nhận chỉ thị thực hiện công việc được định sẵn. Mà bản thân mình sẽ cần trực tiếp đưa ra tất cả quyết định trong quá trình triển khai, như là phương hướng dịch vụ, item cần thực hiện...
Ví dụ ngắn gọn là team leader Seung Geon cũng không hề biết tuần sau silo chúng mình sẽ làm công việc gì. Bởi chúng mình không làm việc theo văn hóa báo cáo và chờ phê duyệt mà. Nếu silo chúng mình phán đoán đây là giai đoạn cần thiết, vậy thì chúng mình sẽ tự lên kế hoạch và đề ra phương hướng, rồi theo đó dần dần giải quyết từng việc một.
Q. Trong quá trình đưa ra quyết định thì chắc hẳn cũng có nhiều điểm cần phải cân nhắc. Bạn có tiêu chuẩn nào bạn cảm thấy quan trọng, hoặc có bí quyết công việc (know-how) nào đặc biệt không?
Hong Min Taek: Có 2 điểm lớn nhất. Thứ nhất là ‘Chúng ta có thực sự giải quyết được vấn đề đã đặt ra hay không?’, thứ hai là ‘Tầm ảnh hưởng lớn đến đâu?’
Khi mình trao đổi với các thành viên trong nhóm về các ý tưởng, không phải lúc nào mình cũng nhận lại được chính xác phương hướng cho đúng cái vấn đề mà mình đã đặt ra ban đầu, mà có những lúc lại nhận được những ‘item có vẻ ít liên quan đến vấn đề nhưng mà nên được thực hiện’, hay ‘item mơ hồ không biết dùng nhằm mục đích gì’. Với những item này thì mình không thể giải quyết được vấn đề ban đầu mình đặt ra. Cần phải có nỗ lực để tìm ra đối sách giải quyết phù hợp cho vấn đề đã định nghĩa ban đầu.
Ngoài ra thì thực tế cũng có những dịch vụ mà ban đầu mình rất kì vọng, nhưng sức ảnh hưởng lại nhỏ và mình đã phải dũng cảm từ bỏ. Thời gian đó mình đã cảm nhận được rất rõ rằng các giả thiết mình đặt ra ban đầu là quá mơ hồ, cũng như cần phải tìm ra những item sắc bén thì mới có thể giải quyết được đúng vấn đề đưa ra ban đầu.
Lúc đó mình đã luôn luôn tâm niệm về một trong những giá trị cốt lõi của Toss - “Focus on Impact”. Nếu là itam giúp mình đạt được OKR* một cách nhanh chóng hơn mình nghĩ, vậy thì nhất định mình sẽ phải làm được.
•
OKR (Objective and Key Result): Mục tiêu mang tính định hướng, truyền cảm hứng là Objective, những chỉ số cần để đạt được muc tiêu đó là Key result. Một OKR tốt cần phải đầy tham vọng, táo bạo và khiến chúng ta rung động, khơi dậy động lực, cũng như có thể dễ dàng ghi nhớ.
Choi Sung-hee: OKR trở thành tiêu chuẩn quyết định quan trọng nhất. Các thành viên trong silo sẽ tập hợp lại để cùng xây dựng OKR. Khi mọi người cùng nhau đưa ra mục tiêu thì có vẻ như phương hướng mà Toss team coi trọng nhất cũng được truyền đạt hiệu quả hơn tới tất cả các thành viên. ‘Mục tiêu mà công ty chúng ta cần hoàn thành’, ‘công việc mà hiện tại chúng ta phải tập trung’ không phải chỉ được chia sẻ giữa cấp giám đốc hay một nhóm nhỏ nào đó mà được chia sẻ tới toàn thể team một cách hoàn toàn tự nhiên. Đây cũng chính là lý do lớn nhất khiến mình bị cuốn hút bởi Toss team.
Để luôn duy trì môi trường làm việc này, phương pháp chúng ta đặc biệt sử dụng chính là ‘thường xuyên chia sẻ trong về tình huống silo về tình huống hiện tại.’ Từ những yếu tố cơ bản như các chỉ số hiện tại, cho tới thành tích so với công ty khác, ý kiến, kì vọng của các đối tác về chúng ta,... cũng đều được chia sẻ công khai, không giấu giếm.
Trước khi mình từng nghĩ các bạn designer, developer sẽ chẳng quan tâm mấy đến những vấn đề như tình hình đối tác hay phương hướng kinh doanh. Tuy nhiên bây giờ thì khác. Mọi người mong muốn được chia sẻ và trò chuyện càng nhiều càng tốt. Từ đó từng người có thể tìm ra đường hướng để làm tốt hơn vai trò công việc của mình.
Q. Quả nhiên là có lý do để các dịch vụ của Toss vừa thu được phản ứng bùng nổ mà lại ngày càng thân thiện với người dùng. Các bạn đã từng phụ trách nhiều dịch vụ khác nhau rồi, vậy không biết dịch vụ nào đáng nhớ nhất đối với các bạn vậy nhỉ?
Hong Min Taek: Mình thì nhớ nhất là dịch vụ ‘Toss Card’ đã ra mắt vào tháng 4. Đây là dịch vụ được bắt đầu với mục tiêu “Để biến Toss money thành tài khoản trung tâm trong đời sống tài chính của người dùng thì cần phải tạo ra cho người dùng lý do họ cần nạp tiền vào Toss money’.
△ Toss Card
Vậy thì cần có một phương thức thanh toán giúp người dùng không chỉ chuyển tiền hay thanh toán online mà còn có thể sử dụng Toss money để thanh toán offline. Đó chính là thẻ.
Thực sự mình đã suy xét rất nhiều cùng với các thành viên. Từ lý do căn bản khiến mọi người sử dụng thẻ, đến loại thiết kế thẻ nào thì dễ được mọi người để trong ví, loại ưu đãi nào sẽ thu hút người dùng, chúng mình đã tiến hành nghiên cứu một cách rất tỉ mỉ, vừa tìm hiểu những tiền lệ trong và ngoài nước, vừa khảo sát phản ứng người dùng thực tế.
Đặc biệt quá trình đưa ra ưu đãi đã cực kỳ hứng khởi. Nhờ tập trung vào mục tiêu ‘Ưu đãi chỉ mình Toss có’, ‘khiến người dùng phải dùng, dùng nữa, dùng mãi’, chúng mình đã đưa ra được ưu đãi đầu tiên của Toss card là ‘trúng thưởng hoàn tiền 10% với tỉ lệ trúng 33%’. Để trả lời cho câu hỏi liệu đó có đúng là ưu đãi chiếm được cảm tình của khách hàng hay không thì, ngày đầu tiên đã có 150.000 người dùng đăng ký. Chỉ trong 3 tháng chúng mình đã phát hành thẻ cho 1 triệu người dùng.
Các thành viên cũng đều chia sẻ đây là dự án rất thú vị. Business lớn như vậy mà đã được một team chưa tới 10 người hoàn thành trong vỏn vẹn có 4 tháng. Tất nhiên cũng có một số vấn đề. Tuy nhiên mình nghĩ là nhờ liên kết chặt chẽ giữa các nhóm trong tổ chức, cũng như mọi người đều nhiệt tình hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần nên chúng mình đã có thể giải quyết được những vấn đề đó.
Choi Sung-hee: Là dịch vụ mà dạo này chiếm lĩnh tâm trí mình, ‘Tìm khoản vay phù hợp với mình’. Đây là dịch vụ chúng mình đã bắt đầu sau khi đăng ký chế độ chỉ định dịch vụ tài chính đổi mới do Ủy ban tài chính thực hiện (sandbox quy chế tài chính). Toàn bộ quá trình từ chuẩn bị hồ sơ, đăng ký đến khi được chọn cuối cùng, thực sự rất đáng nhớ đối với mình.
△ Tìm gói vay phù hợp
Dịch vụ đề xuất sản phẩm vay trước kia có hạn chế là chỉ hỗ trợ đến giai đoạn trung gian giới thiệu sản phẩm. Sản phẩm này có điểm bất tiện là để xem được lãi suất chính xác thì người dùng phải đến trang chủ ngân hàng và trực tiếp tra cứu hạn mức. Trước đây chưa từng có platform nào cùng lúc thực hiện so sánh lãi suất của tất cả các sản phẩm vay,đẫn đến thiếu cơ hội để người tiêu dùng có thể chọn lựa sản phẩm vay hợp lý, chúng mình muốn giải quyết được vấn đề này.
Nếu dịch vụ ‘tìm gói vay phù hợp’ được triển khai thì ngân hàng sẽ công khai minh bạch về lãi suất, cũng sẽ tạo được hiệu ứng giảm lãi suất. Lãi suất được giảm đó sẽ chính là ưu đãi người dùng nhận được. Chúng mình nghĩ lần thử nghiệm này chính là một bước đi đầu tiên rất quan trọng.
Q. Thực ra đó đều là những dịch vụ mà mình đang sử dụng và thấy rất tiện lợi, nên nhân cơ hội này mình cũng muốn gửi lời cảm ơn tới các bạn. Mình được biết là team cũng đang chiêu mộ thêm những nhân tài mới để cùng nhau làm ra thêm những dịch vụ tuyệt vời trong tương lai. Bạn nghĩ năng lực mà một PO nhất định phải có là gì vậy?
Choi Sung-hee: Đầu tiên thì sẽ là phẩm chất cơ bản như sách giáo khoa… mình nghĩ là năng lực có thể đưa ra quyết định một cách nhanh chóng và với chất lượng cao. Để làm được điều này thì mình đang nghĩ tới 4 phẩm chất cần thiết. Đó là tư duy logic, quyết tâm nhất định phải khiến công việc thành công, ‘cảm giác’ tốt về sản phẩm mobile, có con mắt nhìn về mặt dữ liệu hay chỉ số, bảng biểu.
Vì lý do này mà mình từng nghe rất nhiều người chia sẻ là họ cảm thấy sợ khi ứng tuyển vào vị trí này. Tất nhiên là nếu bạn đã có đủ 100% những phẩm chất cần có ở 1 PO như kể trên thì sẽ là lý tưởng nhất, nhưng chúng mình không phải chỉ chọn những người hoàn hảo. Bản thân chúng mình cũng vẫn đang trong quá trình luôn luôn cố gắng để nâng cao tối đa năng lực PO.
Phẩm chất cơ bản nhất mà một PO cần phải có chính là “Biết chính xác bây giờ mình đang làm việc gì, và tại sao mình lại phải làm việc đó”.
Khi phỏng vấn, khi được hỏi “Tại sao bạn lại làm dự án này?”, có những ứng viên chỉ trả lời “Vì đó là quyết định của công ty”. Tất nhiên làm theo đường hướng của công ty là đúng, nhưng trong quá trình làm việc cũng cần phải có cái nhìn riêng của bản thân mà. Những người làm việc mà không hiểu mình đang làm vì lý do gì thì mình nghĩ sẽ rất khó thể thích ứng được với Toss team.
Điều này cũng trở thành thông điệp nhắn gửi đến các đồng nghiệp tương lai trong mỗi cuộc gọi ‘yêu thương’. Mong rằng sẽ có nhiều bạn ‘cảm thấy bức bối phát điên nếu rơi vào tình huống làm việc mà không hiểu vì sao mình phải làm’ đến với Toss. Vì Toss chính là công ty tuyệt đối không xảy ra tình huống như vậy. Nếu bạn là người cần tác động từ những người đồng nghiệp xuất sắc hơn mình, có thể tiếp nhận những tác động đó một cách tích cực và biến thành chúng động lực, vậy thì bạn thực sự nên đến với Toss.
Hong Min Taek: Mình nghĩ là không có tài năng cố định nào. Cơ bản là cần phải có năng lực giải quyết vấn đề cực kỳ tốt. Những tình huống được coi là ‘vấn đề’ thường là chia làm hai loại, hoặc là không đúng theo phương hướng đã định ban đầu, hoặc là thiếu mất một điều gì đó.
Có nhiều cách có thể thử nghiệm để đưa về đúng quỹ đạo hoặc bổ sung những cái còn thiếu. Mình nghĩ là cần phải có năng lực đưa ra phương án giải quyết tốt nhất, phù hợp nhất xét trên từng phương diện như phương diện sản phẩm, phương diện tổ chức, phương diện kinh doanh - ví dụ như hợp tác với các bên.
Như Sung-hee đã nói, nếu bạn là người cảm thấy bức bối khi không nắm rõ được phương hướng công việc, thêm vào đó lại còn là người có khả năng đưa ra phương án giải quyết dựa trên căn cứ logic, hợp lý, vậy thì khi đến với Toss bạn sẽ có thể làm việc một cách thực sự hạnh phúc.
Q. Những chia sẻ thiết yếu của các bạn thực sự sẽ giúp ích rất nhiều cho những người đang quan tâm đến Toss team. Vậy không biết làm công việc PO ở Toss thì có điểm mạnh gì nhỉ?
Hong Min Taek: Đó là quá trình communication (giao tiếp, trao đổi) không hề nặng nề hay phức tạp. Trước kia từng có nhiều tình huống mình cần tập trung vào hình thức và thủ tục hơn là tiếp cận cốt lõi vấn đề. Lúc đó mình đã phải để tâm đến cả những vấn đề hình thức nhỏ nhặt như từng dấu chấm dấu phẩy. Không còn cách nào khác là phải đẩy nội dung trọng tâm lại phía sau.
Thế nhưng ở Toss thì bạn chỉ cần quan tâm đến 99.9% cốt lõi. Tất nhiên là không có các loại báo cáo, và bạn chỉ cần đầu tư một ít thời gian vào việc soạn thảo kế hoạch. Vì chỉ cần chia sẻ trọng tâm, nên những người được chia sẻ cũng cảm thấy dễ dàng hơn. Nhờ có văn hóa này của Toss team mà mọi người có thể tập trung vào duy nhất ‘bản chất’. Mình nghĩ đây là môi trường làm việc tuyệt vời nhất không chỉ đối với PO mà đối với tất cả mọi người.
Choi Sung-hee: Tuyệt đối không làm việc một cách thụ động. Có thể thực hiện kinh doanh/dự án ‘thực sự’. Không cần thực hiện kinh doanh theo phương hướng được chỉ đạo từ bên trên, đây là nơi mà chúng có thể trực tiếp va chạm và làm việc. Mình nghĩ rằng việc có thể làm việc như thể đang làm kinh doanh thực sự, nếm trải cả thành công và thất bại, chính là điểm mạnh lớn nhất.
Q. Nhờ có văn hóa làm việc này mà tốc độ launching dịch vụ mới cũng rất nhanh. Vậy có know-how gì về việc phối hợp với cái bộ phận hỗ trợ - Supporting Division (team tài chính, pháp chế, bảo an, communication…) không nhỉ?
Choi Sung-hee: Trước khi ra mắt sản phẩm thì chúng mình sẽ nói chuyện với các bên Supporting Division để kiểm tra kĩ lưỡng về mặt tài chính, pháp chế, thông tin cá nhân, PR. Bởi vì làm việc với tốc độ cao nên cũng có thể có những chỗ chúng mình bị bỏ lỡ.
Sau khi chia sẻ sơ lược về phương hướng kinh doanh và flow của dịch vụ, các bên liên quan sẽ chỉ ra cho chúng mình chính xác những điểm cần lưu ý, chuẩn bị. Chính là xác nhận lại giúp chúng mình về những rủi ro mà trước đó mình chỉ nghĩ đến một cách mơ hồ. Không chỉ dừng ở việc chẩn đoán rủi ro, mà nhiều khi các bạn ấy cũng đưa ra ý tưởng để giải quyết giúp chúng mình nữa.
Hong Min Taek: Ở những chỗ làm cũ thì có lúc mình đã nhận được những dự đoán kiểu ‘vì có rủi ro nên không được tiến hành dịch vụ’, thế rồi phải chấm hết luôn từ trước cả khi kịp bắt đầu. Khi đến Toss thì mình đang làm việc theo phương thức tìm kiếm giải pháp đến cùng, như đặt ra câu hỏi xem tại sao lại không được, rồi thì trực tiếp tìm kiếm những luật khác có thể áp dụng để cùng nhau thảo luận.
Dưới góc độ của team pháp chế thì điều nãy cũng có thể hơi phiền phức, nhưng nhóm pháp chế của Toss luôn luôn cùng xem xét và đưa ra ý kiến hợp lý hơn giúp chúng mình. Các bạn ấy rất am hiểu về kinh doanh mà. Nhờ thế mà chúng mình mới có thể thực hiện đa dạng nhiều loại thử nghiệm như thế này.
Công việc mà mình đang làm ở Toss cũng giống như ‘nghệ thuật tổng hợp’ vậy. Vì cần suy xét đến cả nhiều loại rủi ro nằm ngoài lĩnh vực dịch vụ hay kinh doanh nữa. Thật may là các bạn ở các nhóm hỗ trợ của chúng mình đều là những chuyên gia, và mọi người luôn hướng đến hòa hợp hay vì đối lập, mình cảm thấy nhờ vậy mà mình cũng phát triển được năng lực rất nhiều. Đây cũng chính là điểm mình cảm thấy biết ơn nhất ở Toss team.
Q. Thời gian qua các bạn đã thật vất vả để cùng nhau làm ra nhiều dịch vụ đa dạng cho Toss. Mình xin phép hỏi câu cuối cùng. Điểm bạn thích nhất về văn hóa của Toss team là gì vậy? Và chia sẻ với chúng mình cả về mục tiêu mà bạn muốn hoàn thành nữa nhé.
Choi Sung-hee: Mình muốn giới thiệu về Earn Trust, nét văn hóa rất là hiển nhiên nhưng mình đã từng khiến mình rất ngạc nhiên. Mình nghĩ là thế giới này có hai kiểu người là những người có thể tin tưởng và những người khó có thể tin tưởng.
Kì lạ mình cảm thấy dường như ở Toss team hội tụ ‘toàn’ những người có thể tin tưởng vậy. Bởi vì tất cả mọi người đều đang cố gắng để nhận được lòng tin của đồng nghiệp. Bản thân mình cũng đang cố gắng để có thể luôn tín nhiệm những bạn đồng nghiệp tuyệt vời xung quanh. Mục tiêu sau này của mình cũng chính là trở thành người có thể không ngừng đặt niềm tin vào team.
Hong Min Taek: Mình cảm thấy xu hướng cá nhân luôn tập trung vào điều muốn làm, phải làm của mình thực sự hợp với phương hướng của công ty. Và một trong những giá trị mình thích nhất chính là Simplicity - nguyên tắc số một, cũng là nguyên tắc Toss team coi trọng nhất về mặt dịch vụ.
Điều mình nhất định muốn đạt được là 40 triệu MAU. Nếu như Toss có thể cung cấp được mọi thứ, đáp ứng từ đầu đến cuối đời sống tài chính của người dùng thì mình nghĩ là chúng ta sẽ đạt được không chỉ sự đổi mới, mà cả lợi ích thiệt yếu về mặt xã hội nữa.
Cho đến nay, trong quá trình trưởng thành mình đã trải qua rất nhiều thử thách và sai lầm, nhưng niềm tin vào mục tiêu và tầm nhìn của mình không hề thay đổi, vì thế mình vẫn đang làm việc một cách rất hứng thú. Mình hi vọng là sau này vẫn tiếp tục được làm việc như thế này.
Nếu bạn muốn làm việc một cách thực sự khác biệt?