Search

Câu chuyện phát triển của Toss Việt Nam

Created
2021/06/16 10:26
Tags
“Ủa chúng ta đang đứng đầu trên Playstore thì phải?”
Lúc mình đang bận tối mắt tối mũi để ra mắt sản phẩm thử nghiệm, ai đó đã nói vậy.
Và đúng thế thật.
Cái ứng dụng Toss bất ngờ xuất hiện từ Hàn Quốc, đang nằm ở vị trí số 1.
Từ 200.000 MAU vào tháng 1 năm nay, đến tháng 5 thì chúng mình đã đạt tới con số 2.700.000 MAU, tăng gấp 13 lần.
Rốt cuộc thì ở team này đang xảy ra chuyện gì vậy?
Toss là ứng dụng đã giành được vị trí cao nhất, là một ứng dụng fintech toàn diện đạt 10 triệu MAU ở Hàn Quốc với khả năng chuyển tiền, yêu cầu, thanh toán, cho vay nhanh gọn, có được các ngân hàng và công ty chứng khoán hàng đầu trong lĩnh vực tài chính. Cảm nhận được sự chững lại của thị trường Hàn Quốc, Toss bắt đầu chuyển hướng sang Việt Nam, nơi có dân số đông và tiềm năng tăng trưởng cao.
Nhận thấy các dịch vụ ngân hàng và fintech tại Việt Nam đạt chuẩn cao hơn dự tính, chúng mình nhận định rằng không thể thành công trên thị trường nếu cứ áp dụng đúng theo phương trình cũ đã thành công ở Hàn Quốc, và đã mạnh dạn sửa đổi chiến lược của mình.
“Đầu tiên, hãy trở thành dịch vụ được sử dụng nhiều nhất. Và hãy trở thành tài chính. "
Vậy, làm thế nào để tìm ra dịch vụ được sử dụng nhiều nhất?
Có một công thức. CPA (Cost per Action) thấp, tỷ lệ giữ chân (Retention) cao, tính lan tỏa (Virality) cao.
Làm sao để tìm thấy những item như vậy nhanh nhất? Trước đây, sản phẩm chính là vấn đề của cách làm này.
Nếu phải mất 6 tháng để phát hành một ứng dụng, nghĩa là chỉ có thể thử nghiệm 2 ứng dụng mỗi năm, vậy nếu như item chúng mình đang cần nằm ở vị trí thứ 10, tức là chúng mình cầm chắc thất bại. Vậy nếu biết được khả năng thành công trước cả khi ra mắt ứng dụng thì sao? Có thể làm tới 10 quảng cáo trong một ngày, vậy không phải là có thể giải quyết công việc tốn 5 năm chỉ trong vòng 1 ngày hay sao ? Team chúng mình đã nghĩ ra phương pháp tiếp cận qua thử nghiệm demo và so sánh, mọi người cùng thu thập ý tưởng, không cần dập khuôn trong lĩnh vực tài chính, làm prototype rồi chạy thử quảng cáo Facebook để khảo sát xem có bao nhiêu người mong đợi item được ra mắt, sau đó lựa chọn item có CPA thấp nhất.
Vậy item được chọn là gì? Chính là ‘đếm bước chân, đi bộ kiếm tiền’.
Sau khi ra mắt, phản ứng thực sự cuồng nhiệt. MVP đầu tiên chỉ đơn giản là “đi bộ vì sức khỏe” và “ưu đãi” đã cho CPA thấp hơn cả thử nghiệm demo. Hơn thế nữa, chỉ cần nhập số điện thoại là có thể nạp điện thoại bằng số tiền kiếm được, nên người dùng tỏ ra rất thích thú. Tuy nhiên tới đây thì chúng mình lại đối mặt với bài toán tăng trưởng thứ hai, Retention. Sản phẩm rất phổ biến, nên thu hút được lượng lớn người dùng, nhưng trái lại ứng dụng này không hề thiết yếu, dù không dùng hàng ngày cũng không sao cả, hiếm có ai thực sự sử dụng lâu dài tính năng nhận phần thưởng nhỏ và theo dõi sức khỏe. Người dùng có tìm đến thật, nhưng rồi lại nhanh chóng rời đi như một cơn gió, nên thực tế là không tích lũy được người dùng. Dù có kéo được người đến với chi phí thấp, nhưng nếu chẳng ai ở lại thì cũng nào có ý nghĩa gì. Vấn đề này phải giải quyết thế nào đây?
Chúng mình đã chú ý đến một điểm, dù người dùng không “định mở ứng dụng” nhưng nếu vô tình mở app, họ “nhất định sẽ nhận thưởng”. Nếu như giá trị của ứng dụng chúng mình nằm ở đếm bước đi bộ và nhận thưởng, vậy thì liệu người dùng có “cần phải mở ứng dụng” không?
Kể từ đó, chúng mình đã tiến hành rất nhiều thử nghiệm cũng như đối mặt với nhiều vấn đề về thiết bị nhằm tìm ra cách giúp người dùng không cần mở app mà vẫn hoàn toàn trải nghiệm được tất cả tính năng chúng mình cung cấp (theo dõi sức khỏe và ưu đãi), và cuối cùng đã cho ra đời “kênh thông báo” (notification channel).
Kể từ sau đó, mỗi khi người dùng xem thông báo đẩy, lập tức có thể sử dụng được tính năng cốt lõi chúng mình cung cấp mà không hề tốn công sức, và số lượt sử dụng app nhiều lần đã tăng đột biến. Kế đến, chúng mình đã tiến hành song song thêm các hoạt động như mời bạn nhận thưởng, không chỉ đi bộ mà đi xe máy cũng được nhận thưởng,... nhằm thể hiện hết tiềm năng phát triển của chúng mình.
Và hiện tại, để giải quyết những bất tiện về tài chính mà những người dùng tìm đến Toss hàng ngày gặp phải, cũng như giúp họ nhận được những lợi ích lớn nhất trên thị trường, chúng mình đang thực hiện liên kết dịch vụ app đến nhiều dịch vụ như chuyển tiền, thanh toán và cho vay. Đến hiện tại đã có 5% người dùng hiện đang tìm kiếm khoản vay có lợi nhất thông qua ứng dụng Toss.
Sao có thể đưa ra quyết định, thực hiện hành động, rồi thu hút được 2.7 triệu MAU chỉ trong vòng 1 năm 4 tháng như vậy?
Thứ nhất, chúng mình chỉ tập trung vào duy nhất một mục tiêu là thay đổi vận mệnh của dịch vụ.
Nếu bạn làm việc ở Toss team thì câu hỏi này sẽ trở thành chuyện thường nhật.
“Việc mình làm hôm nay có ảnh hưởng thế nào đến mục tiêu cuối cùng?”
Dù hôm nay bản thân đã làm việc chăm chỉ, nhưng nếu không tạo được bất kỳ ảnh hưởng nào cho mục tiêu tổng thể, vậy thì cũng không khác cả ngày chẳng làm gì. Giả sử mục tiêu cuối cùng là Retention, bất kể khi tiến hành thử nghiệm chỉ số chi tiết có tăng đến đâu, nếu như khi ra mắt tính năng cho toàn bộ người dùng chỉ số Retention tổng thể không nhận được tác động gì, vậy thì đó vẫn được coi là thất bại.
Thứ hai, chúng mình không nhắm đến cải thiện 10%, mà hướng đến cải tiến gấp 10 lần
Toss team đến với thị trường Việt Nam là để trở thành dịch vụ fintech tốt nhất. Dịch vụ có 100 nghìn người dùng, nếu như có tăng thêm 10%, thì cũng không thể gọi là thành công trong việc lan tỏa giá trị dịch vụ tại thị trường có dân số 100 triệu người. Mục tiêu này có một điểm mạnh rõ ràng. Các thử nghiệm 10%, kiểu thay đổi chút câu chữ hay bố trí lại UI, nhưng lại suốt ngày nhảy popup làm phiền người dùng, về cơ bản được nhóm coi là thất bại, do đó chúng mình có thể tập trung vào câu hỏi “Làm thế nào để thay đổi giá trị căn bản của ứng dụng này?”.
Thứ ba, không có dự án kéo dài 1 tháng.
Ở team chúng mình toàn những thành viên xuất sắc có thể nhanh thì 1 ngày, chậm thì 1 tuần là làm ra được một sản phẩm mới. Tất nhiên năng lực lập trình cao cũng đóng vai trò lớn, nhưng quan trọng hơn là chúng mình luôn tuân theo nguyên lý sản phẩm đơn giản nhất, loại bỏ tất cả yếu tố rườm rà, chỉ để lại cấu trúc tối thiểu nhằm truyền tải được đúng giá trị. Nhờ đó, mỗi tuần chúng mình học được 2-3 khả năng cải tiến, và sản phẩm được phát triển theo cấp số nhân tương ứng với tốc độ cải tiến này. Dù là cùng một ý tưởng, nhưng một team mà mỗi tháng mới ra mắt 1 sản phẩm thì tuyệt đối không thể thắng được Toss.
Lý do tất cả những điều này có thể thành hiện thực, cuối cùng chính là chúng mình chỉ toàn những thành viên thấu hiểu được giá trị chung và luôn cống hiến. Mình tin rằng chúng mình sẽ tạo ra được giá trị to lớn trong một đội ngũ tràn đầy năng lượng, nơi hội tụ của những con người coi trọng việc đạt được thành quả từ công việc, mong muốn vươn tới những thành tựu thực sự lớn lao để từ đó biến cuộc đời mình trở nên đặc biệt, chứ không chỉ thỏa mãn ở mức thành công thông thường.