Xin giới thiệu văn hóa của Toss
Toss team đang làm việc với văn hóa như thế nào? Qua tài liệu nội bộ mà các bạn được giới thiệu vào ngày đầu đi làm tại công ty, chúng mình cố gắng để truyền tải được sinh động hơn tới mọi người về ‘Văn hóa Toss’
Vào ngày đầu tiên gia nhập Toss team, các thành viên mới sẽ được tặng một túi quà chào mừng lớn in dòng chữ “We’re here to make history”. Các bạn sẽ nhận được những món quà mà Toss team đã lựa chọn kỹ lưỡng dành cho thành viên mới, không chỉ có những món đồ cơ bản như sổ, bút in logo công ty, bạn còn nhận được bàn chải, dép, thậm chí cả gậy massage.
Và bạn cũng sẽ nhận được một email. Trong đó có liệt kê khoảng 30 mission mà bạn cần làm quen hoặc phải thực hiện trong ngày đầu tiên đi làm. Một trong những việc quan trọng nhất chính là đọc tài liệu giới thiệu về mục tiêu và chiến lược, cũng như văn hóa và cách làm việc của Toss team, từ đó hiểu hơn về công ty.
Mình xin giới thiệu một trong số các nội dung đó, ‘Giới thiệu về văn hóa của Toss team’.
Lưu ý trước khi đọc: #cảnhbáobàidài #bắtbuộckéoxuốngtiếp #đọcđếnhếtlàthànhngườiTossteam
Chúng ta đang làm việc với văn hóa tự chủ và trách nhiệm bởi những thành viên ưu tú
Toss team đã khám phá ra một nguyên tắc quan trọng nhất để có thể tồn tại dài lâu, chính là ‘đồng thời theo đuổi cả tính hiệu quả và tính linh hoạt’.
Từ những kinh nghiệm và bài học đa dạng nhận được sau khi khởi nghiệp, chúng mình nhận thấy cách để có thể làm việc hiệu quả mà vẫn không đánh mất đi tính linh hoạt chính là đảm bảo sự tự chủ cho những người có năng lực xuất sắc và tinh thần trách nhiệm cao để tạo nên ý thức tham gia ở họ.
Để giữ vững nguyên tắc này, Toss team hiện có rất nhiều nguyên tắc và văn hóa khác với những nơi khác. Văn hóa làm việc của Toss cũng chính là để giữ được nguyên tắc trên.
Toss team luôn hướng đến văn hóa làm việc với hiệu suất cao
Văn hóa của Toss không phải sẽ phù hợp với tất cả mọi người. Đối với những người coi trọng tính ổn định và thuận tiện trong công việc hơn là tạo ra thành quả cao, sẽ khó có thể cảm thấy hạnh phúc ở Toss team.
Chúng ta đang sở hữu văn hóa phù hợp với những người có năng lực xuất sắc và không ngừng trưởng thành thông qua sự thay đổi.
Chúng ta là những con người coi trọng việc đạt được thành tựu lớn, qua đó đổi mới thị trường, được các thành viên trong team coi trọng, và làm việc trong bầu không khí tôn trọng lẫn nhau giữa những đồng nghiệp tuyệt vời hơn là sống một cách an nhàn không thử thách.
Chúng mình muốn được cùng làm việc và cùng trưởng thành với những người đồng nghiệp như vậy. Những người có năng lực cao sẽ có thể làm việc hiệu quả nhất khi được tự chủ, hơn là khi bị ràng buộc bởi những quy tắc hay quy trình không cần thiết.
Tính tự chủ và tinh thần trách nhiệm là quan trọng nhất
Làm việc một cách tự chủ có nghĩa là ‘mỗi người có quyền quyết định cao nhất ở vị trí của mình, và thực hiện công việc một cách độc lập để đạt tiêu chuẩn cao nhất”.
Để có thể đưa ra quyết định phù hợp nhất thì cốt lõi chính là những thành viên có năng lực và trách nhiệm xuất sắc đảm bảo được việc chia sẻ thông tin đạt chuẩn cao nhất, thực hiện công việc theo chuẩn cao nhất. 2 điều này chính là yếu tố quan trọng trong việc duy trì văn hóa tự chủ và trách nhiệm.
Thêm vào đó, để giữ được văn hóa này thì chúng ta phải tạo được ý thức tham gia của các thành viên thông qua sự tin tưởng giao phó tuyệt đối, và để có thể hoàn toàn giao phó được thì quá trình hình thành lòng tin giữa các thành viên trong team là rất quan trọng.
Cốt lõi là ‘giao phó’ và ‘tin tưởng’
Tính tự chủ được duy trì thông qua việc tập hợp những thành viên ưu tú và giao phó hoàn toàn công việc cho họ. Quyền quyết định đối với công việc được giao sẽ không thể bị người khác can thiệp, dù là người có cấp bậc cao hay vào công ty lâu năm.
Thông qua điều này, mỗi cá nhân sẽ cảm thấy mình có quyền tự quyết định độc lập đối với công việc của bản thân, từ đó có thể làm việc một cách có trách nhiệm.
Để duy trì được văn hóa công việc hoàn toàn tin tưởng, tự chủ và trách nhiệm thì tăng cường lòng tin lẫn nhau là cực kì quan trọng. Tin tưởng không phải là thứ cho đi mà là nhận được, trước hết cần phải cố gắng để thể hiện năng lực cũng như nhiệt huyết và tính chủ động trong công việc để có thể nhận được sự tín nhiệm từ các team member xung quanh.
Người có quyền quyết định cuối cùng (DRI)
Giao phó hoàn toàn công việc có nghĩa là một người sẽ nắm quyền quyết định cuối cùng đối với công việc của mình.
Chúng ta gọi người nắm quyền quyết định cao nhất này là DRI*, viết tắt của Directly Responsible Individual. Được quyền quyết định cuối cùng không có nghĩa là phán đoán một cách độc đoán, mà mang nghĩa đưa ra quyết định sau khi có càng nhiều thông tin và ý kiến càng tốt. Theo đó thì lắng nghe chính là một trong những năng lực nghề nghiệp quan trọng nhất mà mọi DRI cần phải có.
•
DRI(Directly Responsible Individual - cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp) là khái niệm được mượn dùng từ Apple Inc.
Nếu như DRI đã đưa ra quyết định sau khi lắng nghe nhiều nhất có thể, thì dù ai đó có không thể đồng ý với quyết định đó đi chăng nữa cũng cần phải có thể làm theo. Mọi người cần chấp nhận quyết định đó, ủng hộ quyết định đó và cùng nhau giúp đỡ để nó trở thành quyết định đúng đắn.
Trong số các giá trị đối lập, chúng ta hướng tới giá trị này
Để các bạn hiểu được rõ hơn, mình đã thử liệt kê ra những giá trị quan sau đây.
Cả 2 giá trị trong từng cặp đều là các giá trị quan trọng mà Toss team hướng tới, tuy nhiên khi 2 giá trị đó đối lập nhau thì vế sau là quan trọng hơn.
Tính nhất quán vs Tính tự chủ
Kiểm soát và điều chỉnh vs Tin tưởng và giao phó
Hiệu suất tuyệt đối thông qua bộ máy quan liêu vs Tập thể linh hoạt chấp nhận đôi chút hỗn loạn
Tổ chức có cơ cấu rõ ràng vs Tổ chức giống như một cộng đồng
Né tránh thất bại vs Đứng lên sau thất bại
Quy trình thiếu tin tưởng vs Văn hóa tràn đầy tin tưởng
Chúng ta tìm kiếm những con người có trách nhiệm cao để giữ được ‘văn hóa Toss’
Thành viên ưu tú mà chúng ta nghĩ tới không phải chỉ xuất sắc trong công việc mà còn có tình thần trách nhiệm cực kỳ cao, với những đặc trưng dưới đây.
Có thể tự tạo động lực,
Luôn tự nhìn lại chính mình,
Tự kiểm soát bản thân,
Tự mình phát triển,
Hành động như một thủ lĩnh,
Không chờ đợi chỉ thị,
Tuyệt đối không nghĩ “Đây không phải việc của mình”,
Nhặt giấy rơi trên sàn văn phòng,
Hành động theo ý thức chủ nhân,
•
Nguồn: Người có trách nhiệm cao hiếm gặp, Netflix
Thông thường, khi công ty mở rộng và những vấn đề cần xử lý trở nên phức tạp hơn, những quy tắc gây mất sức hay những thủ tục thiếu sự tin tưởng được đưa vào để tránh gây nhầm lẫn. Tuy nhiên nếu có thêm nhiều người có trách nhiệm cao thì chúng ta có thể duy trì mức độ tự do cá nhân cao cho các thành viên mà vẫn không bị rối loạn trong khi làm việc.
Những giá trị xuất chúng phù hợp nhất với văn hóa Toss team, bao gồm tính trách nhiệm đều có thể thấy được ở những giá trị cốt lõi của team. Toss team tiến hành tuyển dụng, thưởng, sa thải dựa theo các giá trị cốt lõi (Core Values) của công ty.
Chúng ta hướng tới văn hóa doanh nghiệp như vậy
Bỏ bớt đặc tính của doanh nghiệp alpha, tăng cường đặc tính của doanh nghiệp beta.
•
Doanh nghiệp alpha
- Ép buộc nhân viên về thành quả và lao động
- Kiểm soát hoạt động và hành động, phụ thuộc vào quy định và chỉ thị
- Trật tự trên dưới, chủ nghĩa quan liêu
- Vai trò lãnh đạo thuộc về thiểu số
- Quyền uy được thể hiện tượng trưng qua chức vị và danh phận
- Đánh giá nhân sự là việc tốt và cần thiết
- Có thể đánh giá thành quả của cá nhân
- Quan trọng vẻ bề ngoài của doanh nghiệp
- Công ty càng lớn càng tốt
•
Doanh nghiệp beta
- Tạo động lực bằng việc trao cơ hội để học tập và tạo nên thành quả
- Tin rằng con người chỉ cần được giao nguyên tắc thì có thể tự chủ động làm việc
- Cấu trúc mạng lưới, tinh thần của doanh nhân/ mạng lưới không chính thức
- Vai trò lãnh đạo có thể được phát huy bởi bất kỳ ai
- Quyền uy được thể hiện qua năng lực, kinh nghiệm, thái độ, sức ảnh hưởng
- Đánh giá nhân sự là di sản của thời đại gia trưởng, từ chối thực hiện
- Không thể đánh giá thành quả của cá nhân
- Coi trọng Chất lượng và Tính lợi nhuận vượt mức bình quân
- Quy mô tuyệt đối không quan trọng
•
Nguồn: Định nghĩa doanh nghiệp alpha và doanh nghiệp beta: “Un-Leadership”, Niels Pflaeging
Văn hóa Toss
Chúng ta nghĩ phúc lợi lớn nhất của công ty chính là ‘được làm việc cùng với những đồng nghiệp xuất chúng’ để có thể học tập và cùng nhau phát triển, cũng như gặt hái được những kinh nghiệm tuyệt vời. Chúng ta cần thực hiện tuyển dụng, sa thải, thăng tiến lên thành viên cao cấp, điều chỉnh lương một cách sáng suốt để đạt được điều đó.
Để có thể thực hiện công việc một cách vượt trội, có những thứ không thể nào đạt được chỉ bằng nỗ lực, vì vậy Toss team luôn hỗ trợ để các thành viên có thể tập trung hơn vào công việc, cũng như đang không ngừng mở rộng mảng này. (Công ty có thể làm thay cả những việc cá nhân như cho vay đảm bảo nhà, giặt đồ, giải quyết thủ tục hành chính… nếu như điều đó có thể giúp cho các thành viên tập trung được vào công việc hơn)
Chúng ta hướng đến quan hệ ngang hàng, không phải cấu trúc phân cấp (Hierarchy)
1. Hướng đến văn hóa ngang hàng
Trật tự cấp bậc hay quan hệ trên dưới chính là những yếu tố cản trở sự tự chủ và cảm giác tham gia. Điểm khác biệt so với sức ảnh hưởng của DRI là nó có thể khiến văn hóa công ty trở nên cứng nhắc. Để bổ khuyết cho những điểm yếu mà quy trình công việc đem đến, chúng ta lựa chọn hướng đến văn hóa ngang hàng.
Một vài yếu tố thể hiện văn hóa này của chúng ta có thể kể đến việc xưng hô không phân biệt tuổi tác, chỉ gọi tên kèm ‘nim’ (hậu tố gắn sau tên/cấp bậc khi xưng hô, thể hiện sự tôn trọng), hay tự do mặc trang phục thoải mái như quần ngắn khi đến công ty.
2. Không phải công ty của các Manager mà là công ty của các Maker
Điều tạo nên giá trị dành cho người dùng không phải là các manager mà là các maker. Vai trò quản lý chỉ là lắng nghe ý kiến rồi tổng hợp và giúp mọi người đạt được và đồng cảm với kết luận cuối cùng.
Leader của team không phải là vị trí sở hữu team và đưa ra mệnh lệnh cho các thành viên mà là người đóng vai trò hỗ trợ để các thành viên có thể hoàn thành mục tiêu một cách hiệu quả nhất. Không phải là ‘team của tôi’ mà là ‘team mà tôi hỗ trợ’.
3. Mọi ý kiến kiến nghị đều có thể trực tiếp chia sẻ với giám đốc, trao đổi nội bộ công ty luôn mở.
Một khi bắt đầu có những lời thì thầm sau lưng giữa các thành viên, rất dễ để bầu không khí công ty trở nên mang tính chính trị. Có một kênh để chuyển những vấn đề bất mãn hay kiến nghị thẳng đến CEO mà không qua cấp manager. Thêm vào đó, còn có thể mở những buổi trao đổi nội bộ thông qua town hall meeting (họp và hỏi đáp toàn công ty).
4. Quan trọng là không phải làm việc mình được giao, mà là làm công việc của toàn bộ Toss team.
Mỗi chúng ta đều cần phải có thể nghĩ rằng mình đang làm việc mà Toss team cần trước khi nghĩ đến đạt mục tiêu của bản thân hay nhóm nhỏ của mình. Không thể bị đắm chìm vào mỗi việc của mình, mà phải nghĩ đến công việc cần thiết trên lập trường của cả tập thể.
5. Việc của nhóm quan trọng hơn việc cá nhân, toàn thể Toss team quan trọng hơn việc nhóm.
Nếu những quyết định đi ngược lại quy tắc này liên tục được lặp lại thì tức là bộ máy đã bắt đầu mang tính chính trị.
Mọi thành viên Toss team đều đọc văn bản này vào ngày đầu tiên đi làm, và hàng ngày đều áp dụng vào công việc để làm cho ‘văn hóa Toss’ ngày càng lớn mạnh hơn. Nếu có bạn nào muốn cùng hòa mình vào văn hóa này thì gõ cửa ngay thôi! Toss luôn dang tay đón chào.
Văn hóa Toss,
Bạn muốn trực tiếp trải nghiệm chứ?